Làm thế nào phòng chống đái tháo đường khi tình trạng ngày càng tăng cao ?

(VOH) - Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu.

11 người trưởng thành thì có 1 người bị đái tháo đường

Theo số liệu Liên đoàn đái tháo đường thế giới công bố năm 2017, ước tính cứ 11 người trưởng thành lại có 1 người bị đái tháo đường, tương đương 425 triệu người.

Ước tính đến năm 2045, con số này sẽ là 700 triệu người mắc đái tháo đường. Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, sáng nay, Trung tâm Dinh dưỡng TP đã mít tinh với chủ đề “Đái tháo đường – mối lo ngại của mọi gia đình”.

Tình hình thế giới đã đáng báo động, riêng tại Việt Nam, đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 trường hợp tử vong mỗi ngày vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm này.

Cũng theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, gần 70% người tăng đường huyết chưa được phát hiện, chỉ có khoảng 30% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế. Đây thực sự còn là khoảng trống lớn cần sự quan tâm đầu tư đúng mức trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.


Bác sĩ Phan Thanh Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP
Bác sĩ Phan Thanh Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP

Phòng chống đái tháo đường?

Mít tinh sáng 14/11 thu hút rất đông người dân đến tham gia, trong số họ đã có nhiều bệnh nhân đái tháo đường và kiểm soát được bệnh. Từ kinh nghiệm 18 năm qua sống chung với bệnh, bà Bùi Thị Thục, 70 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận nói: “Đái tháo đường rất nguy hiểm, bệnh này giờ quá nhiều.

Nhiều người cứ nghĩ không mắc bệnh nhưng khi đi thử máu lại mắc đái tháo đường mà không hay. Bây giờ thông tin mới phải được cập nhật, nhất là chế độ ăn uống phải tăng cường rau củ quả, tinh bột ít đi”.

Riêng với ông Nguyễn Văn Tuấn, 80 tuổi, ngụ Quận Gò Vấp đã kiểm soát được căn bệnh đái tháo đường hơn 40 năm, từ kinh nghiệm bản thân ông cũng bày tỏ lo ngại khi hiện nay, có quá nhiều sai lầm trong lối sống ở người trẻ sẽ rất nguy hiểm, là yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh đái tháo đường.

“Tôi thấy không có kiểm soát trong ăn uống, hơn nữa giờ thực phẩm thì có hóa chất độc hại không biết được. Với lại thói quen uống bia hàng ngày, cứ nạp vô bộ máy nào chịu nổi”, ông Tuấn chia sẻ.
Tại TPHCM, tình hình gia tăng đái tháo đường rất đáng lo theo thông tin từ Bác sĩ Phan Thanh Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP chia sẻ tỷ lệ đái tháo đường gia tăng rất nhanh, theo điều tra năm 2008 tỷ lệ mắc đái tháo đường và tiền đái tháo đường là 7 và 27% nhưng đến năm 2012 thì tỷ lệ này đã lên tới 11,5 và 31 %. Chính vì lý do đó mà vấn đề quan trọng trong chiến lược dinh dưỡng quốc gia đặt ra là có dự án về phòng chống đái tháo đường.

Như chúng ta biết, gánh nặng tử vong và tàn phế do đái tháo đường là rất lớn. Đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Gần 80% các trường hợp tử vong do đái tháo đường là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Các biến chứng như mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạnh máu não, nhiễm trùng, viêm thần kinh ngoại biên, loét và cắt cụt chi... gây gánh nặng về sức khỏe, tinh thần, kinh tế to lớn cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP cho biết ngày đái tháo đường thế giới năm nay cần đặc biệt quan tâm những vấn đề sau: “Thứ nhất là cần phải nhận thức rằng đái tháo đường có thể xảy ra với tất cả mọi người dù chúng ta sống ở Thành phố hay nông thôn, dù có điều kiện kinh tế tốt hay chưa tốt. Thứ hai là đái tháo đường đang trẻ hóa và gia tăng với tốc độ nhanh chóng tại Việt Nam và thế giới. Nếu chúng ta nhìn vào số liệu sẽ thấy tốc độ gia tăng đái tháo đường của chúng ta là 200% trong vòng 10 năm trong khi thế giới chỉ có 50% trong vòng 10 năm.

Cũng trong sáng nay, ngoài mít tinh thì Trung tâm Dinh dưỡng phối hợp với Công đoàn ngành Y tế tổ chức Hội thi: “Dinh dưỡng và vận động phòng chống đái tháo đường” với mong muốn tạo điều kiện để cán bộ y tế giao lưu học hỏi, thi đua trau dồi kiến thức và kinh nghiệm trong công tác dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa, tự phát hiện, tuân thủ việc điều trị bệnh đái tháo đường cho người dân, giúp hạn chế gia tăng người mắc bệnh đái tháo đường, giúp người đã mắc bệnh lạc quan sống chung với bệnh, kiểm soát tốt đường huyết và hạn chế biến chứng.

Nguồn: http://voh.com.vn/tam-ly-suc-khoe/dai-thao-duong-tang-200-trong-10-nam-lam-gi-de-phong-chong-dai-thao-duong-295536.html
Theo VOH Online

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách chăm sóc và bảo vệ thóp trẻ sơ sinh tốt nhất mà mọi người nên biết

Hướng dẫn dùng chỉ nha khoa đúng cách để bảo vệ răng và nướu

Chế độ dinh dưỡng dành cho người già luôn mạnh khỏe mỗi ngày